A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đòn bẩy trong sản xuất nông nghiệp

          Những năm qua, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã mang lại thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân. Từ phương thức sản xuất truyền thống, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, làm giàu cho quê hương.

          Anh Dương Thế Anh, ở thôn An Ninh, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn là người đầu tiên thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi gà cho hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, gia đình anh chỉ sản xuất nông nghiệp truyền thống như: trồng lúa, ngô… Sau khi được đi tham quan các mô hình liên kết chăn nuôi gà, nhận thấy gia đình có lợi thế đất đai, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín đảm bảo đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại theo quy định của công ty gồm: máng ăn, uống tự động, hệ thống xử lý chất thải, máy làm mát… với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Trong quá trình chăn nuôi gia đình anh sử dụng đệm lót sinh học rắc men vi sinh khử mùi đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh rủi ro về dịch bệnh. Đối với mô hình liên kết, gia đình anh được phía công ty bao tiêu đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho gà. Khi nuôi gà đến tuổi xuất bán thì công ty sẽ thu mua toàn bộ gà thành phẩm và thanh toán tiền nuôi cho gia đình. Với phương thức chăn nuôi này, gia đình không những giảm được chi phí đầu tư mà còn hạn chế rủi ro về thị trường tiêu thụ, lợi nhuận đạt cao. Nhờ đầu tư hệ thống máy móc hiện đại gia đình anh giảm chi phí nhân công gấp 4 lần, mỗi năm thu về khoảng 500 triệu đồng. Anh Thế Anh chia sẻ: Tôi chỉ cần đầu tư về quỹ đất, cơ sở hạ tầng chuồng trại, công chăm sóc, còn công ty sẽ đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho gà. Khi nuôi gà đến tuổi xuất bán thì công ty sẽ thu mua toàn bộ gà thành phẩm và thanh toán tiền nuôi cho gia đình. Với phương thức chăn nuôi này, tôi không những giảm được chi phí đầu tư mà còn hạn chế rủi ro về thị trường tiêu thụ, lợi nhuận đạt cao.

Anh Dương Thế Anh chăm sóc đàn gà

Xác định áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng huyện Bắc Sơn đã đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc thay đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với UBND các xã tổ chức tập huấn được 07 lớp, với 230 người tham gia, cấp phát trên 230 bộ tài liệu. Nội dung hướng dẫn quy trình kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc và nuôi, kỹ thuật thâm canh cây ăn quả.

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Nhờ đó, chất lượng các sản phẩm nông sản của huyện ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có gần 20 ha cây ăn quả các loại được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn huyện đã có 10 sản phẩm được công nhận OCOP. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân trên địa bàn. Ông  Vi Văn Can, Thôn Hợp Thành, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn cho: Để mô hình trồng cây có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi đầu tư mua các loại máy làm đất, lắp đặt hệ thống tưới tự động, ở giữa làm lối đi rộng để tiện chăm sóc, bón phân, thu hoạch quả. Đối với giống cây trồng, tôi chọn mua cây giống ở những nơi uy tín, đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh việc thường xuyên cắt, tỉa những nhánh cây thừa, tôi còn chú trọng sử dụng các loại phân bón hữu cơ, giúp cây dễ hấp thụ, chắc khỏe, không tồn dư hóa chất. Đặc biệt, tất cả các khâu từ cải tạo đất, chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch… gia đình đều thực hiện theo đúng tiêu chuẩn VietGAP.

 

 

Mô hình trồng bưởi Diễn của gia đình ông Vi Văn Can, Thôn Hợp Thành, xã Đồng Ý

Ông Hoàng Văn Thủy, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Thời gian qua phòng chuyên môn đã tham mưu cho UBND huyện phối hợp với các đơn vị của tỉnh, huyện thực hiện các mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng chọt chăn nuôi tạo điều kiện cho người dân thăm quan các mô hình chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Đồng thời hàng năm tổ chức các tập huấn hướng dẫn kỹ thuật dạy nghề cho người dân nhằm thực hiện có hiệu quả trong phát triển kinh tế...

Người dân thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá nước ngọt

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới tỉnh, huyện, trong đó việc tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các ngành chức năng huyện Bắc Sơn quan tâm thực hiện có hiệu quả. Từ đó, tạo ra phong trào ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.


Tác giả: Dương Lan

Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Tổng số câu hỏi: 1

Thống kê truy cập

Đang online : 1
Hôm nay : 87
Trong tháng : 4.303
Tất cả : 107.536