A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người phụ nữ gìn giữ nét đẹp trang phục truyền thống

Có một người phụ nữ đang miệt mài từng đường kim, mũi chỉ tạo nên những bộ trang phục truyền thống, gìn giữ phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Đó là bà Hoàng Thị Dàu, dân tộc Nùng, Thôn Nà Thí, xã Vạn Thuỷ.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối đông, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình bà Dàu. Năm này bà Dàu đã 66 tuổi nhưng đôi mắt vẫn tinh, đôi tay hết sức khéo léo với từng đường cắt may, đường kim, mũi chỉ. Được biết bà Hoàng Thị Dàu là một trong số ít người còn giữ nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Nùng tại xã Vạn Thuỷ. Theo dòng ký ức ngược thời gian bà Dàu chia sẻ: từ khi còn là cô bé 13-14 tuổi bà đã được mẹ, các chị dạy các nhuộm vải chàm, cách cắt, may quần áo. Khi đó mọi công đoạn đều làm thủ công, mãi đến năm 1993 gia đình sắm thêm máy khâu nên công việc may trang phục đã phần nào rút ngắn được thời gian hơn trước. Theo quan sát, trang phục dân tộc Nùng ở xã vạn Thuỷ được cắt, may, thiết kế khá đơn giản nhưng cũng không kém phần tinh tế. Phụ nữ mặc áo 4 tà, cài cúc bên nách phải, tà không dài quá đầu gối. Áo của nữ còn được trang trí bằng những chiếc cúc bằng bạc tạo cho bộ trang phục có điểm nhấn và sang. Bên trong là chiếc áo ngắn ngang cạp quần được may bằng vải có họa tiết hoa văn sặc sỡ, cúc bằng vải cài chéo qua nách bên phải; quần được may theo kiểu quần ống rộng bằng vải lụa hoặc vải chàm đen. Khăn quấn đầu của nữ cũng được làm bằng vải láng đen có độ bóng, không có hoạ tiết thêu và dây đai thắt eo tôn lên vóc dáng của người phụ nữ. Trang phục của nam giới đơn giản hơn, áo ngắn tứ thân, tay bó, cúc bằng vải. Còn kiểu dáng quần được may theo kiểu quần ta, ống đứng. Dưới bàn tay khéo léo của bà Dàu từng bộ trang phục dần hiện ra sắc nét.

Bà Hoàng Thị Dàu may trang phục cho khách

Bà giàu cho biết thêm thời bà còn trẻ, phụ nữ dân tộc Nùng trong thôn, xã ai cũng thuần thục các công đoạn tạo nên bộ trang phục dân tộc mình. Qua bộ trang phục thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ. Nhưng hiện nay trước nhịp sống hiện đại và bận rộn hơn trước, thế hệ trẻ không còn mặn mà với công việc nhuộm vải, cắt may trang phục truyền thống. Đến nay, phụ nữ Nùng trong xã từ trung niên đến cao tuổi vẫn mặc trang phục truyền thống, còn giới trẻ chỉ mặc vào dịp Tết hoặc lễ hội. Đặc biệt, trong đám cưới của người Nùng, cô dâu, chú rể luôn rạng rỡ trong bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình.

Ngoài cắt may phục vụ bà con trong xã, nhờ sự khéo léo của mình, nhiều bộ trang phục của bà Dàu đã được khách trong và ngoài huyện tìm đến đặt làm. Mỗi lần bà Dàu thấy khách hàng ưng ý với bộ trang phục mình làm bà rất vui. Từ may trang phục cũng giúp bà có thêm thu nhập cho gia đình.

Bà Dàu vui khi khách hàng ưng ý với bộ trang phục mình may

Ông Lưu Văn Hoà, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Vạn Thuỷ, huyện Bắc Sơn cho biết: Vạn Thuỷ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Sơn, toàn xã có 371 hộ gồm 4 dân tộc Nùng, Tày, Dao, Kinh cùng đoàn kết sinh sống, trong đó dân tộc Nùng chiếm gần 58%. Thực Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã đã vận động cán bộ, nhân dân giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc mình thông qua những những việc cụ thể như: triển khai hưởng ứng Tuần lễ trang phục các dân tộc tỉnh Lạng Sơn năm 2024 đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; các trường học thực hiện mặc trang phục truyền thống đầu tuần; vận động nhân dân giữ gìn nghề nhuộm vải, mặc trang phục truyền thống, trong đó bà Dàu là một cá nhân tiêu biểu.

Bằng việc làm bình dị của mình Bà Hoàng Thị Dàu đang giúp lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình thông qua trang phục truyền thống cho thế hệ con cháu mai sau./.


Tác giả: Lộc Huệ - Lương Dương