I. TÊN DỰ ÁN: Trang trại chăn nuôi lợn (heo) công nghệ cao Nam Hương 2.
II. ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN DỰ ÁN: thôn Nam Hương 2, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
III. NHÀ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN DỰ ÁN - QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ
1. Nhà đầu tư thực hiện dự án: Công ty Cổ phần Nam Hương Xanh.
- Giấy chứng nhận doanh nghiệp, công ty cổ phần, mã số 4900879013 do phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn cấp, đăng ký lần đầu ngày 27/07/2021.
- Địa chỉ trụ sở chính: thôn Nam Hương 2, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
- Điện thoại: 0912 723 526.
- Người đại diện theo pháp luật:
+ Họ và tên: Đỗ Văn Cương; Giới tính: Nam.
+ Chức danh: Giám đốc.
+ Sinh ngày: 18/02/1985; Quốc tịch: Việt Nam.
+ Chứng minh nhân dân số: 091082674; Ngày cấp: 28/3/2017.
+ Nơi cấp: Công an tỉnh Thái Nguyên.
+ Địa chỉ thường trú: tổ 20, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam.
2. Quyết định số 397/QĐ-UBND ngày 08/3/2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Trang trại chăn nuôi lợn (heo) công nghệ cao Nam Hương 2.
3. Về chủ trương đầu tư dự án: Việc triển khai thực hiện dự án phù hợp với Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, phù hợp với chủ trương về phát triển kinh tế, xã hội của huyện, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho nhân dân trong khu vực.
IV. MỤC TIÊU DỰ ÁN
Đầu tư xây dựng trang trại để chăn nuôi lợn (heo) thịt thương phẩm cung cấp cho thị trường; Trong đó xây dựng trang trại để chăn nuôi lợn (heo) thịt thương phẩm với tổng diện tích khoảng 470.620 m2, trong đó diện tích xây dựng là 55.024 m2; Quy mô nuôi 27.000 con lợn (heo) thịt. Trung bình mỗi năm xuất chuồng khoảng 54.000 lợn (heo) thịt thương phẩm cung cấp cho thị trường.
V. QUY MÔ DỰ ÁN - VỐN ĐẦU TƯ
- Quy mô dự án:
+ Công suất thiết kế, sản phẩm dịch vụ cung cấp: quy mô trang trại nuôi 27.000 con lợn (heo) thịt; trung bình mỗi năm xuất chuồng khoảng 54.000 lợn (heo) thịt thương phẩm cung cấp cho thị trường.
+ Quy mô xây dựng: trên tổng diện tích đất 470.620 m2 đầu tư xây dựng các hạng mục công trình với nguồn vốn đầu tư như sau:
- Tổng vốn đầu tư: 185.294 triệu đồng.
- Nguồn vốn đầu tư:
+ Vốn góp của nhà đầu tư: 37.058 triệu đồng;
+ Vốn vay: 148.235 triệu đồng
VI. THỜI HẠN HOẠT ĐỘNG CỦA DỰ ÁN: 50 năm kể từ ngày Nhà đầu tư được quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
- Hình thức sử dụng đất: Nhà đầu tư thuê quyền sử dụng đất với các hộ gia đình, cá nhân và thuê đất với Nhà nước theo quy định.
VII. ĐÁNH GIÁ VỀ SỰ PHÙ HỢP CỦA DỰ ÁN
1. Đánh giá sự phù hợp với các quy hoạch
- Về quy hoạch, kế hoạch, hình thức sử dụng đất
Dự án đã được cập nhật, đăng ký trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện Bắc Sơn được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 và Quyết định số 2272/QĐ-UBND ngày 31/12/2023 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn với quy mô diện tích 47ha, mục đích đất nông nghiệp khác (NKH).
- Sự phù hợp với quy hoạch 03 loại rừng, đánh giá hiện trạng của khu đất đề xuất: Đối chiếu Bản đồ điều chỉnh ranh giới ba loại rừng tại Quyết định số 687/QĐ-UBND ngày 24/4/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt Đề án rà soát, điều chỉnh ranh giới 3 loại rừng tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, khu đất đề xuất triển khai Dự án không thuộc quy hoạch 3 loại rừng.
- Về quy hoạch xây dựng
Phạm vi, vị trí khu đất phù hợp với định hướng quy hoạch chung xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 3999/QĐ-UBND, ngày 12/12/2023 của Ủy ban nhân dân huyện Bắc Sơn về Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2030.
- Về quy hoạch phát triển ngành
Đề xuất Dự án phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Lạng Sơn được phê duyệt tại Quyết định số 2671/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND tỉnh phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025; phù hợp với định hướng phát triển ngành chăn nuôi tại Kế hoạch 113/KH-UBND ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 06/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025.
2. Về lĩnh vực quốc phòng - an ninh
- Về quốc phòng: Vị trí khu đất đề xuất không nằm trên đất quốc phòng; không thuộc đất địa hình loại 1, loại 2 ưu tiên giành riêng cho nhiệm vụ phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc theo Quyết định số 2412/QĐ-TTg ngày 19/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Về an ninh: Vị trí khu đất đề xuất không phải là đất An ninh và không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất An ninh. Trong quá trình thực hiện, Nhà đầu tư cam kết thực hiện tốt một số công việc: Tổ chức họp tham vấn cộng đồng dân cư trong khu vực dự án và chịu tác động trực tiếp bởi dự án để đánh giá tình hình an ninh trật tự liên quan đến chủ trương triển khai dự án; thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai dự án.
3. Về lĩnh vực môi trường
Dự án đề xuất với quy mô chăn nuôi 27.000 con lợn (heo) thịt, mỗi năm xuất chuồng khoảng 54.000 lợn (heo) thịt thương phẩm; Đối chiếu quy định tại STT 71 Phụ lục II, Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường thì dự án thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nhà đầu tư cam kết chủ động trong việc thực hiện các thủ tục về môi trường sau khi dự án được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư.
Dự án trang trại chăn nuôi lợn (heo) công nghệ cao Nam Hương 2 xây dựng trên vị trí cách xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ; hình thức chăn nuôi theo hướng tập trung chuồng trại được thiết kế khép kín và hiện đại, các chất thải được xử lý, không gây ô nhiễm môi trường đảm bảo yêu cầu theo quy định đối với dự án chăn nuôi quy mô lớn. Tiếp giáp vị trí đề xuất thực hiện Dự án trang trại chăn nuôi lợn (heo) công nghệ cao Nam Hương 2 về phía Tây có dòng suối nhỏ chảy qua, tuy nhiên về phía hạ lưu không có người dân sinh sống, nguồn nước chỉ phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
4. Về lĩnh vực công nghệ
Theo hồ sơ dự án, dự án có sử dụng các quy trình nhân giống; quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng; quy trình phòng chống dịch bệnh, kiểm soát an toàn sinh học; công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải chăn nuôi trước khi thải ra môi trường. Các công nghệ trên không thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, cấm chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi (như công nghệ tạo giống vật nuôi bằng phương pháp biến đổi gen hoặc công nghệ sử dụng giống biến đổi gen), các giống lợn dự kiến sử dụng là các giống ngoại nhập có chất lượng tốt, hiện nay đang được sử dụng ở nhiều nơi.
5. Về điều kiện khoảng cách trong chăn nuôi
Vị trí đề xuất thực hiện dự án cơ bản đảm bảo các quy định về khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại quy mô lớn: đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu 400 mét; đến trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu 500 mét theo quy định tại khoản 4 Điều 5 của Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
VIII. HIỆU QUẢ KINH TẾ XÃ HỘI
Dự án được đầu tư và đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp chăn nuôi của tỉnh, huyện phát triển, thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 80 lao động địa phương, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian thu hồi vốn của dự án là 12 năm 06 tháng.
IX. CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN
1. Là hình thức chăn nuôi lợn (heo) theo hướng tập trung chuồng trại được thiết kế khép kín và hiện đại. Các chất thải chăn nuôi gồm phân và nước thải được xử lý theo phương pháp sinh học (Biogas) kết hợp trạm xử lý nước thải theo hướng vi sinh nên không gây ô nhiễm môi trường.
2. Chất thải sau quá trình xử lý được gom lại chuyển đến khu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trong chuỗi giá trị công nghệ cao của công ty, tiếp tục xử lý, ủ và lên men vi sinh, qua quá trình nén viên hoặc tán bột thành phân hữu cơ hoặc phân bón hữu cơ vi sinh bán (hỗ trợ) cho người dân.
3. Thu gom phế phẩm của địa phương khác như vỏ cây keo, cây ngô để sản xuất phân bón hữu cơ.
4. Chăn nuôi gia công đáp ứng những yêu cầu về vệ sinh thú y giúp các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý được vệ sinh môi trường và tình hình dịch bệnh.
5. Nguồn con giống do các công ty trong và ngoài nước cung cấp, đảm bảo con giống chất lượng cao, sạch bệnh.
6. Nguồn thức ăn chăn nuôi cũng do các công ty có uy tín trong và ngoài nước cung cấp, đảm bảo chất lượng và phù hợp với yêu cầu của đàn lợn (heo).
7. Quy trình kỹ thuật chăn nuôi khép kín, cùng vào, cùng ra (all in – all out), quy trình tiêm phòng nghiêm ngặt, khống chế được dịch bệnh.
8. Tạo ra con giống đầu ra chất lượng cao, an toàn, sạch bệnh.
9. Tạo cơ hội hợp tác bền vững, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong khu vực.
10. Góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp chăn nuôi, đem lại bộ mặt phát triển mới cho nông nghiệp và nông thôn.
Hiện nay, Nhà Đầu tư đang đề nghị điều chỉnh thông tin nhà đầu tư, quy mô dự án, tiến độ thực hiện dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nội dung điều chỉnh tiến độ dự án thuộc trường hợp trình UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư. Trên cơ sở nội dung thẩm định, đề xuất điều chỉnh dự án đủ điều kiện để UBND tỉnh xem xét, phê duyệt chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư (Chưa có Quyết định phê duyệt điều chỉnh).