A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góp phần nâng cao giá trị cây quýt vàng bản địa

Quýt vàng Bắc Sơn là cây ăn quả đặc sản của xứ Lạng. Quýt vàng Bắc Sơn đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên do chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố, nhiều vườn quýt trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã bị thoái hóa, già cỗi, diện tích có xu hướng ngày càng giảm. Năm 2007 diện tích quýt toàn huyện là 974,1ha thì đến năm 2022 diện tích còn khoảng 520,43ha. Trước thực trạng đó cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn huyện luôn trăn trở ứng dụng các biện pháp khoa học vào canh tác để phát huy huy được giá trị cây đặc sản địa phương.

Gia đình anh Dương Hữu Chương, thôn Trí Yên, xã Bắc Quỳnh có truyền thống trồng quýt vàng giống bản địa từ thời ông, cha. Những diện tích quýt này hiện đã gìa cỗi không còn cho thu hoạch. Làm thế nào để cây quýt vàng bản địa có thể phát triển và mang lại thu nhập luôn là câu hỏi đau đáu trong lòng anh Chương. Qua nhiều đêm không ngủ anh Chương đã nảy ra ý tưởng táo bạo: Ghép mắt cây quýt bản địa với giống bưởi chua, mang ra trồng trên đất bãi. Đây là một ý tưởng táo bạo và bản thân chưa có kinh nghiệm nhưng anh Chương vẫn quyết tâm làm. Bắt tay vào thực hiện từ năm 2017, sau 4 năm cây đã cho những quả bói đầu tiên. Đến nay vườn quýt gần 200 cây của gia đình đã cho thu hoạch được 3 năm. Tại thời điểm trước khi triển khai mô hình, vườn quý nhà anh Chương chưa được chăm sóc chu đáo, nhiều cây bị vàng, thiếu hụt dinh dưỡng. Sản lượng quýt chỉ đạt 1,3 tấn/0,3 ha. Với giá bán trung bình 30.000/kg, sau khi trừ tri phí mang lại thu nhập 16 triệu đồng.

Anh Dương Hữu Chương chăm sóc vườn quýt

Để giúp người nông dân nâng cao giá trị cây quýt bản địa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã thực hiện mô hình hỗ trợ thực nghiệm chế phẩm hữu cơ trên cây quýt sử dụng phân hữu cơ GREENCOMPOST VÀ OGRAIC FISH trên diện tích 0,3ha. Triển khai thực hiện mô hình, gia đình anh Dương Hữu Chương đã được hỗ trợ 1.250kg phân bón hữu cơ dạng viên GreenCompost, 90 lít phân bón hữu cơ dạng dung dịch Ỏganic. Qua một năm triển khai vườn quýt nhà anh Dương Hữu Chương phát triển tốt, quả sai, mọng nước, có vị ngọt hơn các sản phẩm cùng loại đang bán ngoài thị trường. Anh Dương Hữu Chương phấn khởi cho biết: Vẫn trên diện tích đó, sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật khi thực hiện mô hình sản lượng đạt khoảng 2,2 tấn, tăng 1,9 tấn. Không những thế giá bán 1kg quýt giao động từ 40 – 50 nghìn đông, tăng 10 - 20 nghìn đồng/1kg so với vụ trước. Sau khi trừ chi phí đã mang lại cho gia đình 50 triệu đồng, tăng 35 triệu đồng so với trước khi thực hiện mô hình. Quá trình triển khai mô hình gia đình anh Chương còn được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên hướng dẫn các biện pháp chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho vườn quýt.

Không chỉ bán quả, khi quýt bắt đầu vào vụ đã có nhiều đoàn khách đến tham qua, chụp ảnh, trải nghiệm tự tay hái quýt, thưởng thức ngay tại vườn. Từ thu phí dịch vụ cũng đã góp thêm thu nhập cho gia đình khoảng 20 triệu đồng. Như vậy vẫn trên chính diện tích đó sau khi áp dụng mô hình hỗ trợ thực nghiệm chế phẩm hữu cơ trên cây quýt sử dụng phân hữu cơ GREENCOMPOST VÀ OGRAIC FISH,  thu nhập đã tăng 55 triệu đồng so với canh tác truyền thống. Chị Bùi Yến Ly, Du khách đến từ thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Bản thân chị khi đến vườn quýt của anh Chương thấy thật sự bất ngờ vì cảnh đẹp nơi đây. Vườn quýt sai chĩu, núi non hùng vĩ, đường đi lại rất thuận tiện, vừa chụp ảnh, vừa tự tay hái quýt mang về làm quà cho bạn bè, người thân.

Từ một diện tích đất bãi khô cằn, giờ đây đã là vườn quýt trĩu quả. Có được kết quả đó là đôi bàn tay, khối óc cần cù, sáng tạo của người nông dân Dương Hữu Chương, sự hỗ trợ đắc lực của nhà nước. Đây là mô hình để nông dân tham quan, học tập./.


Tác giả: Lộc Huệ - Hoàng Vẻ