A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bắc Sơn gìn giữ ẩm thực truyền thống

Huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mà còn được biết đến bởi sự đặc trưng trong văn hóa ẩm thực, với nhiều món ăn truyền thống đa dạng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây, góp phần thúc đẩy du lịch trên địa bàn. Những ngày cuối năm 2024 vừa qua, xưởng sản xuất Lạp sườn Khinh Sa của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ chăn nuôi Hợp Tiến, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, ai nấy đều cặm cụi làm việc để kịp tiến độ sản xuất …

Ông Phạm Bá Tình, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ chăn nuôi Hợp Tiến, thị trấn Bắc Sơn đang đóng gói sản phẩm

Lạp sườn là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người dân Lạng Sơn nói chung, huyện Bắc Sơn nói riêng. Lạp sườn của Bắc Sơn được sản xuất từ thịt lợn sạch, mang hương vị đặc trưng với vị chua nhẹ và vị thơm của gừng núi đá. Để có thể làm ra một mẻ lạp sườn ngon, đòi hỏi người chế biến phải chọn được nguồn nguyên liệu sạch từ những con lợn khỏe mạnh, được sơ chế kỹ càng trước khi chế biến. Huyện Bắc Sơn hiện nay có khá nhiều hộ sản xuất và cung cấp ra thị trường các sản phẩm lạp sườn. Trong đó nổi bật nhất là sản phẩm Lạp xườn Khinh sa do Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ chăn nuôi Hợp Tiến sản xuất, đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Lạp sườn của Hợp tác xã được nhiều người dân tin dùng, lựa chọn. Từ năm 2021, Hợp tác xã đã chuyển đổi từ sản xuất lạp sườn thủ công sang sử dụng máy móc, dây chuyền để tăng năng suất, cũng như đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường. Việc phát triển và nâng cấp quy mô sản xuất lạp sườn, góp phần nâng cao giá trị văn hoá ẩm thực truyền thống trên địa bàn. Ông Phạm Bá Tình,Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ chăn nuôi Hợp Tiến, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Lạp sườn cổ truyền HTX vẫn làm nhưng làm thủ công. Từ năm 2021 đến giờ, chúng tôi chuyển sang công nghệ mới, hoàn toàn bằng máy móc, thiết bị chuẩn. Đây là sản phẩm bảo tồn nét văn hóa của đồng bào Tày Bắc Sơn. Chúng tôi có ý tưởng phát triển bền vững và lâu dài để cung cấp sản phẩm sạch cho địa phương và các tỉnh bạn.

Cùng với lạp sườn, Bánh chưng đen cũng là một sản phẩm ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Sơn. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất bánh chưng đen của gia đình bà Nguyễn Thị Lý ở thị trấn Bắc Sơn sản xuất khoảng 100 chiếc. Vào những dịp Lễ, Tết, cơ sở của gia đình bà sản xuất cả ngày lẫn đêm, với trên 200 chiếc bánh phục vụ nhu cầu của người dân. Với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống làm bánh chưng đen của gia đình và ngày càng có nhiều người biết đến sản phẩm đặc sản Bánh chưng đen của Bắc Sơn; khi được tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đăng ký thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", gia đình bà Lý đã tích cực tham gia. Hiện nay, sản phẩm Bánh chưng đen của gia đình bà đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Bà Nguyễn Thị Lý, Thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Tôi đã làm nghề bánh chưng bán ở thị trường Bắc Sơn được 20 năm rồi, khi được vận động tôi tích cực tham gia các cuộc thi, trưng bày bánh chưng lấy thương hiệu của quê hương Bắc Sơn. Những dịp lễ, tết, hội… riêng bánh chưng đen tiêu thụ rất nhiều. Những dịp ấy phải làm gấp đôi ngày bình thường, du khách ở mọi nơi đến Bắc Sơn đều muốn thưởng thức và lấy bánh chưng đen về làm quà ở khắp mọi nơi, càng ngày càng phát triển, đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Những năm qua, phát huy giá trị văn hoá ẩm thực gắn với các hoạt động phát triển du lịch, kinh tế, huyện Bắc Sơn luôn chú trọng vận động các hộ gia đình đang kinh doanh, phát triển các mô hình ẩm thực truyền thống; đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP gắn với địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Sơn có trên 10 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Những sản phẩm được lựa chọn đều là những đặc sản gắn với văn hoá ẩm thực truyền thống của người dân các xã, thị trấn hoặc được phát triển dựa trên các sản phẩm nông nghiệp chính như: Lợn làng Bắc Sơn, lạc đỏ, gạo nếp nương… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Ông Hoàng Văn Thủy, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Nhằm phát huy ẩm thực truyền thống, thời gian qua, phòng vận động bà con Nhân dân, các hộ gia đình kinh doanh các sản phẩm đặc sản đăng ký sản phẩm OCOP, từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, phòng thường xuyên vận động người dân sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn như lạc, thịt lợn sạch. Qua đó, nâng cao giá trị chất lượng, nâng tầm giá trị các sản phẩm địa phương.

Bên cạnh việc gìn giữ, nâng cao giá trị văn hoá ẩm thực truyền thống, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền huyện Bắc Sơn cũng tích cực vận động người dân phát triển, sáng tạo các sản phẩm ẩm thực mới lạ, phù hợp với thị hiếu của người dân dựa trên các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện. Một trong những sản phẩm tiêu biểu thời gian qua đã được sự đón nhận lớn không chỉ của người dân trên địa bàn huyện hay các huyện, thành phố trong tỉnh, mà còn  lan rộng ra các tỉnh trong cả nước. Đó chính là sản phẩm Khô heo mắc mật của gia đình anh Dương Hữu Điện và chị Dương Thị Sữa, ở xã Chiêu Vũ. Dịp cận Tết Nguyên đán 2024 này, cơ sở sản xuất khô heo mắc mật của gia đình anh Điện phải làm việc hết công suất để có thể giao kịp đơn hàng cho các đơn vị đặt “Giỏ quà Tết” bằng sản phẩm Khô heo mắc mật. Anh Dương Hữu Điện, Chủ cơ sở sản xuất Khô heo mắc mật, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn cho biết: Qua quá trình nghiên cứu, tìm tòi thấy mô hình chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Bắc Sơn rất dồi dào kết hợp với quả mắc mật đặc sản, bản thân tôi mạnh dạn phát triển mô hình sản xuất Khô heo mắc mật, nâng cao giá trị lợn làng Bắc Sơn. Trong quá trình xây dựng được các cấp địa phương hỗ trợ về nguồn lực vật chất, tinh thần. Năm 2023, được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao huyện Bắc Sơn. Trong những dịp Tết chúng tôi luôn nhận được đơn khách hàng ký hợp đồng cho vào dự án giỏ quà Tết… phục vụ nhu cầu khách hàng dịp Tết Nguyên đán

Anh Dương Hữu Điện, Chủ cơ sở sản xuất Khô heo mắc mật, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn đang trưng bày sản phẩm

Bà Dương Hồng Hạnh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Huyện Bắc Sơn đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các hộ gia đình duy trì ẩm thực truyền thống để họ đưa vào thực đơn phục vụ du khách, vận động đưa thành sản phẩm OCOP để phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Khi du khách đến Bắc Sơn ngoài thưởng ngoạn cảnh quan còn đến để thưởng thức ẩm thực đặc trưng. Những ẩm thực truyền thống đó đã góp phần quảng bá những nét đặc sắc của Bắc Sơn, đặc biệt là văn hóa Tày.

Việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá ẩm thực truyền thống có ý nghĩa vô cùng quan trọng, làm nổi bật sự đa dạng trong văn hoá của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Sơn nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung. Qua đó, thúc đẩy việc khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển du lịch. Đồng thời, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong những năm tiếp theo./.


Tác giả: Dương Lan