Vũ Sơn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao
Trong những ngày đầu Xuân mới, cùng với các hoạt động ra quân đầu xuân, bà con Nhân dân trong huyện cũng hăng say ra đồng gieo trồng, chăm sóc cây trồng vụ Xuân, phấn đấu một năm thắng lợi. Để tạo động lực, khí thế thi đua lao động trong sản xuất cho bà con Nhân dân trên địa bàn huyện. Chúng tôi mời quý vị cùng đến thăm một địa phương tiêu biểu của huyện trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương mà chúng nói đến là xã Vũ Sơn, ấn tượng khi đến đây bởi sự tư duy nhạy bén, biết nắm bắt nhu cầu của thị trường hiện nay. Người dân nơi đây, đã thay áo mới cho những bãi nương kém hiệu quả, sang một màu xanh trù phú bởi những vườn cây có giá trị kinh tế cao. Qua đó giúp nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây đào, từ năm 2010 đến nay, gia đình ông Dương Văn Thiệu, thôn Nà Pán, xã Vũ Sơn đã chuyển đổi hết diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp của gia đình để trồng đào. Ông Dương Văn Thiệu, thôn Nà Pán xã Vũ Sơn chia sẻ: “Hiện nay gia đình tôi có 1.000 cây đào thất thốn, 2.000 cây đào bích, đào phai. Qúa trình trồng, gia đình tôi luôn chủ động tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cây đào, kỹ thuật uốn, tỉa, nhờ đó chất lượng giá trị cây đào của gia đình ngày càng nâng lên, từ trồng đào đã mang lại cho gia đình tôi nguồn thu mỗi năm khoảng 200 triệu đồng”.
Cùng với chuyển đổi sang trồng đào, người dân tại một số thôn của xã Vũ Sơn như: Nà Tân, Nà Pán... cũng đã chủ động nghiên cứu và đưa cây mắc ca vào trồng. Đến nay trên địa bàn xã có trên 170 hộ trồng cây mắc ca, với diện tích trên 40ha, Vũ Sơn là một trong những xã có diện tích cây mắc ca lớn nhất trên địa bàn huyện.
Để người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bên cạnh tuyên truyền, khuyến khích, các tổ chức hội đoàn thể xã cũng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng. Ông Nông Văn Tụ, Chủ tịch Hội nông dân xã Vũ Sơn cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức được 12 lớp tập huấn chuyển giao KHKT, quy trình chăm sóc cây trồng với hơn 800 lượt người tham gia, tổ chức 04 lớp dạy nghề ngắn hạn về trồng và chăm sóc cây ăn quả, cây đào cho gần 100 học viên. Đồng thời, trung bình mỗi năm hội nông dân xã còn chủ động cho hội viên tham gia các buổi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt trong và ngoài xã”.
Nông dân xã Vũ Sơn vui mừng Cam đường canh được mùa, được giá trong dịp Tết
Cùng với quan tâm tổ chức tập huấn KHKT, xã đã tuyên truyền vận động các hộ nhân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây mắc ca, cây đào, cây ăn quả, thành lập HTX để người dân có cơ hội học hỏi kinh nghiệm về cách trồng, chăm sóc cây. Đồng thời xã hoàn thiện hồ sơ để sản phẩm hạt mắc ca đạt sản phẩm OCOP 3 sao, qua đó năng suất, chất lượng, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Ngoài ra xã tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, các chương trình hỗ trợ dự án phát triển nông thôn. Nhờ đó, diện tích chuyển đổi của xã ngày càng mở rộng, hiện toàn xã có hơn 50ha cây đào cảnh; hơn 40ha cây mắc ca; trên 100ha cây ăn quả như: Quýt vàng Bắc Sơn, cam canh, ổi, nhãn, hồng, mận... ông Nông Xuân Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Vũ Sơn cho biết: Trong thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã luôn quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện để bà con thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, xã đã thành lập các HTX như: HTX cây Mắc ca, HTX cây đào và HTX cây ăn quả có múi... Đồng thời liên kết bao tiêu sản phẩm, cung cấp các vật tư chăm sóc cây trồng cho bà con để đạt hiệu quả cao.
Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm nghèo bền vững của địa phương./.