NÔNG DÂN BẮC SƠN TÍCH CỰC SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI
Trong những năm qua, hội viên nông dân huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn luôn tích cực thực hiện phong trào thi đua sản xuất kinh doanh; phát triển kinh tế gia đình bền vững.
Hội nông dân huyện Bắc Sơn có 18 cơ sở Hội với trên 11.870 hội viên tham gia hoạt động tại 142 chi hội nông dân thôn, khối phố. Căn cứ vào thực tế, hằng năm các cấp Hội nông dân huyện Bắc Sơn đã phát động phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đến toàn thể các chi hội, hội viên, đồng thời phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; trồng rừng, các loại cây ăn quả; sửa chữa máy nông cụ; chế biến món ăn ẩm thực theo phương pháp "cầm tay chỉ việc và chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu đề xuất với Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện thành lập Quỹ hỗ trợ nông dân nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ cho các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao.
Mô hình chăn nuôi Ngựa Bạch của gia đình ông Trịnh Văn Bách, Khối phố Vĩnh Thuận, Thị Trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn.
Ông Dương Đức Cường, Chủ tịch Hội nông dân huyện Bắc Sơn cho biết: Hằng năm Hội nông dân huyện Bắc Sơn luôn tổ chức phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi bằng nhiều giải pháp thiết thực. Tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật và bằng nhiều kiện pháp khác, từ đó thì các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi do hội viên nông dân xây dựng, thực hiện có tính bền vững và có tính nhân rộng rất cao trong thực tiễn sản xuất, do vậy hằng năm tỷ lệ hội viên nông dân nghèo đã giảm bình quân từ 3% trở lên.
Đáng lưu ý là Hội nông dân huyện Bắc Sơn còn chú trọng xây dựng, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Điển hình như trong năm 2024, Hội đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Sơn, Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Võ Nhai, Thái Nguyên triển khai mô hình trồng đỗ tương xanh. Phối hợp với Hợp tác xã Thành Lộc, huyện Cao Lộc triển khai mô hình chăn nuôi gà 6 ngón. Phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang thực hiện mô hình trồng cây Giang lấy lá. Qua theo dõi, đôn đốc và tổng hợp từ các cơ sở, Hội nông dân huyện đã phối hợp các ngành đoàn thể tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền đang triển khai thực hiện 39 mô hình kinh tế theo hướng phát triển mới tại địa bàn 18 xã, thị trấn, đồng thời các cấp Hội nông dân huyện Bắc Sơn cũng tăng cường phối hợp với các ban, ngành thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức triển khai hoạt động cung ứng trang thiết bị, vật tư nông nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; phối hợp với các cấp các ngành mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết, mở rộng hợp tác phát triển nhiều ngành nghề, khuyến khích hội viên nông dân làm giàu chính đáng.
Ông Dương Doãn Hùng, Chủ tịch hội nông dân Thị trấn Bắc Sơn cho biết: Hội nông dân Thị trấn Bắc Sơn luôn tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương để mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thực hiện các mô hình kinh tế như: sản xuất trồng trọt trồng rau sạch, rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm,..các mô hình phát triển kinh tế của hội viên nông dân đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của hội viên.
Để giúp hội viên nông dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, Hội nông dân huyện Bắc Sơn cũng phối hợp nhận uỷ thác với Ngân hàng chính sách, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn cho hội viên nông dân vay vốn, thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn, theo đó trong năm 2024 Hội nông dân các cấp trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã và hướng dẫn thành lập mới 06 tổ hợp tác với 230 thành viên tham gia, duy trì 15 mô hình tổ hợp tác về kinh doanh, dịch vụ, trồng rừng, chăn nuôi với 129 thành viên tham gia; hướng dẫn 01 Tổ hợp tác chuyển thành Hợp tác xã. Phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức 04 lớp tập huấn kinh tế tập thể, phối hợp với các Hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tuyên truyền các mô hình kinh tế mới thu hút gần 900 lượt hội viên nông dân tham gia, từ đó nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn trong phát triển kinh tế.
Hộ gia đình bà Bế Thị Thảo, hội viên nông dân thôn Làng Gà 2, xã Trấn Yên là một điển hình, bà cho biết: mỗi năm gia đình nuôi khoảng 40 con lợn thịt, trên 3 nghìn con gà và trồng các loại cây lâm nghiệp, cây lấy gỗ, hiện nay 12 ha cây bạch đàn và Cây Keo đã và đang cho thu hoạt, trung bình mỗi năm thu nhập từ mô hình kinh tế tỏng hợp của gia đình là khoảng 400 triệu đồng.
Cán bộ chuyên môn của tỉnh và huyện thăm mô hình nuôi ong lấy mật của của ông Đàm Văn Liên, thôn Tân Vũ, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn (năm 2024).
Có thể nói bằng nhiều giải pháp đồng bộ của Tổ chức Hội nông dân các cấp và sự nỗ lực vượt khó của các hội viên, từ năm 2024 trên địa bàn huyện Bắc Sơn có 2.189 hộ hội viên nông dân đăng ký hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; kết quả cuối năm qua tổ chức bình xét có 1.898 hộ được công nhận đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó có 1.465 Hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi giỏi cấp xã, thị trấn; 321 Hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi giỏi cấp huyện; 99 Hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi giỏi cấp tỉnh và 13 Hộ nông đạt danh hiệu dân sản xuất kinh doanh giỏi giỏi cấp Trung ương.
Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới Hội nông dân huyện Bắc Sơn tiếp tục hướng dẫn các hình thức phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, vận động nông dân tích cực phát triển nhiều mô hình, ngành nghề kinh doanh. Làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức trong sản xuất kinh doanh giỏi. Đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân có thêm việc làm, nâng cao năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.